Hôm trước tình cờ được đọc một bài viết mang tên”Đời này ta còn được gặp bố mẹ mấy lần?“. Thực sự, mình cảm nhận được không nhiều do lâu nay có điều kiện sống bên cạnh gia đình. Song mình đã suy ngẫm rất kỹ, và nghiệm ra một điều lý thú. Điều quan trọng không phải là bao nhiêu lần bạn gặp người thân, mà là lúc ở bên cạnh họ, bạn làm gì?
Hãy tưởng tượng, bạn có 30 phút bên cạnh một cô gái xinh xắn hay một anh chàng dễ thương, bạn rất muốn làm quen. Nhìn chung, nếu mong muốn đủ mạnh, đa số chúng ta sẽ tìm ra cách khiến cho đối phương ấn tượng, cảm thấy thoải mái, cảm thấy được quan tâm. Có thể bắt đầu từ một nụ cười thân thiện, một lời khen hợp lý, dẫn dắt hai người tích cực tham gia vào một câu chuyện. Khi không khí cởi mở, hai người sẽ có cơ hội trao đổi thông tin liên lạc, rồi hẹn một dịp nào đó gặp lại. Sau khi chào tạm biệt, người đó cảm thấy rất vui vì gặp một người thú vị. Còn bạn, có khi còn phấn khích hơn nhiều, đến tận vài ngày sau, đầu óc vẫn còn miên man nghĩ… về người ấy.
Còn bây giờ, cũng với 30 phút đó, hãy xem bạn sẽ làm gì khi ở cạnh người thân, có thể là anh chị em, đặc biệt là ba mẹ mình? Có bao giờ bạn muốn tìm cách để khiến họ cảm thấy thoải mái nhất, hạnh phúc nhất khi ở bên bạn? Không biết có ai đã từng như mình trước đây không, thực sự mình đã muốn lảng tránh, vì nghĩ rằng họ thật phiền toái.
Có thể đối với những người sống xa nhà, cả năm mới về thăm bố mẹ được may ra một lần thì khoảng thời gian đó là vô cùng quý báu, và họ sẽ trân trọng nó, họ sẽ tìm mọi cách để làm nó trở nên có ý nghĩa nhất. Do đó, có lẽ những người suốt ngày bên cạnh người thân thì cũng nên cố gắng làm như vậy. Hoàn toàn đúng, song thực tế thì…?
Mình tin rằng nhiều bạn cũng có hoàn cảnh tương tự mình, đi học, đi làm về, đều có điều kiện quây quần bên gia đình vào mỗi tối, được ba mẹ “quan tâm” đến từng bữa ăn, từng giấc ngủ… thậm chí là từng buổi đi chơi: “Lại đi hả con? Đi đâu thế? Đi với ai? Mấy giờ về? Về cho sớm đấy!“. Rồi cả chuyện tương lai “Nên học trường này trường kia, ngành đó bố mẹ quen biết, có đầu ra con ạ“, cho đến những việc hệ trọng “Này con, đã đến tuổi rồi đấy, con xem con bé, anh chàng này này, bố mẹ thấy nó được lắm…”. Về phần người con, nhiều lúc cảm thấy không thoải mái, vì là sự “độc lập, tự do” có vẻ như đang bị lung lay.
Có nhiều phụ huynh coi “quan tâm” là dành thời gian để lo lắng, dành tiền bạc để mang lại những gì mà họ cho là tốt nhất với con cái. Rất đáng hoan nghênh, họ đã hết mình vì con. Song nhiều lúc sự yêu thương hết mình đó lại bị lầm sang thành kiểm soát, mầm mống của nhiều rắc rối. Bởi đơn giản: “Trao đi yêu thương với một ai đó theo cách của bạn, không có nghĩa là họ sẽ cảm nhận được”, mà có khi lại là cảm giác bị kiểm soát, bị giữ chặt khư khư như kho báu. Lý do là, trong thế giới quan của mỗi người, quan niệm về yêu thương rất khác nhau. Cũng giống như hiện tượng ngôn ngữ, nếu bạn hét “I love you” với người không biết tiếng Anh, có thể họ sẽ lầm hiểu sang quát mắng, lớn tiếng.
Có người thì quan niệm yêu thương là được âu yếm, hỏi thăm, lo lắng từng li từng chút một, có người thì nghĩ yêu thương là được tặng hoa, tặng quà, có người thì cho rằng khi có ai đó lắng nghe mình, để mình giãi bày tâm sự mới là yêu thương, có người lại cho rằng cùng hỗ trợ nhau, làm việc cùng nhau tạo ra những thứ lớn lao, mới là yêu thương… cho nên, nếu chúng ta cứ nghĩ rằng ai cũng giống nhau, và cứ “yêu theo cách riêng của mình” thì sớm muộn cũng sẽ đem lại đau khổ.
Tình thương thì có thể có thật đấy, song chúng ta đã không hiểu ngôn ngữ của nhau, nên không biết trao đi thế nào cho hợp lý, hoặc là phải đợi đến khi quá muộn…
Tại một buổi hội thảo, người ta đã đưa ra cho khán giả một loạt các câu hỏi về ba mẹ. Câu hỏi đầu tiên, và có lẽ là dễ nhất “Bạn có tin rằng mình yêu ba mẹ không?” Ngay lập tức, cả hội trường nhốn nháo “Tất nhiên rồi, không yêu họ thì còn yêu ai, hỏi gì kì vậy". Câu hỏi tiếp theo “Bạn đã làm những gì để thể hiện tình yêu đó?” Hàng loạt cánh tay giơ lên “Ờ thì dịp lễ tết mua hoa, mua quà tặng, rồi về thăm, rồi chia sẻ, tâm sự, thi thoảng đỡ đần việc nhà, việc cửa”, có người thì chia sẻ thành thật “Tôi ở xa nhà nên thường xuyên gửi tiền về, hỏi xem ông bà thích gì thì mình mua cho, rồi thuê ôsin để phục vụ, hàn huyên cho ông bà đỡ buồn, tôi nghĩ đó là tốt lắm rồi”…
Câu hỏi tiếp theo “Bao nhiêu người nhớ đến sinh nhật của ba mẹ và tặng quà, hoặc những lời chúc tốt đẹp?”. Số cánh tay lần này đã ít đi. “Bao nhiêu người biết đến ngày cưới của ba mẹ, và giúp ba mẹ tổ chức lễ kỉ niệm?” nhiều người đã lắc đầu, số cánh tay giảm hẳn. “Bao nhiêu người hay tâm sự với ba mẹ, biết đến ước mơ, niềm đam mê, sở thích hồi bé của ba mẹ, và thông cảm nếu họ chưa thực hiện được?”. Chỉ còn vài cánh tay sót lại. Câu hỏi cuối cùng “Bạn đã bao giờ ôm ba mẹ và nói rằng con yêu ba, con yêu mẹ, xin lỗi về những điều con đã sai, và cảm ơn tất cả những gì mà ba mẹ đã làm cho con?”. Không còn cánh tay nào, tất cả đều im lặng.
Vị diễn giả nói tiếp “Có thể, ở đây, có nhiều bạn nghĩ là ba mẹ đã không đối xử tốt , thậm chí tệ bạc với các bạn. Song bạn có bao giờ nghĩ rằng, họ đã làm một điều tuyệt vời nhất, là sinh ra các bạn, là cho các bạn quyền được sống, và nuôi các bạn đủ lớn không? Trong khi đã có biết bao ông bố bà mẹ vị thành niên, đã chót lỡ làng mà phá thai, và vứt con mình, máu mủ của mình vào sọt rác ở bệnh viện?”. Nói đến đây, đã có người bắt đầu khóc, một trong số họ chia sẻ “Tôi đã ở với mẹ tôi suốt hơn 30 năm qua, nhưng đã không còn làm kịp những điều anh nói nữa, dù chỉ là một lời cảm ơn, mẹ tôi vừa mới mất đột ngột cách đây ít lâu”…
Bạn à, có những thứ chúng ta tưởng như tất yếu, tưởng như đương nhiên mà chưa chắc đã phải vậy. Hãy thử nghiệm lại xem, sự kiện sóng thần, đâu có ai nghĩ rằng một ngày đẹp trời vậy, lại là thời điểm kết thúc của biết bao vận mạng. Sự kiện 11/9, đâu có ai nghĩ hệ thống an ninh chặt chẽ vậy, mà lại để thảm họa xảy ra. Vậy liệu ai trong số chúng ta, với tai trần mắt thịt, có thể chắc chắn 100% là ngay ngày mai thôi, khi bạn tỉnh dậy, mọi thứ vẫn bình yên. Sẽ không có một máy bay rơi, quả bom nổ, một hòn đạn, mũi tên bay lạc, hay thậm chí là động đất, sóng thần.. Sẽ không có một điều tồi tệ nào đó xảy đến với người bạn thân yêu, hoặc chính bản thân bạn?
Vì vậy, đơn giản là đừng chờ đợi, hãy sống hết mình, yêu thương hết mình cho ngày hôm nay. Hãy làm những việc mà bạn cảm thấy cần thiết, trước khi quá muộn. Dù cho thế nào đi nữa, tất cả chúng ta đều nợ anh chị em mình, ba mẹ mình, ít nhất là một lời cảm ơn chân thành, một cái ôm thật chặt, hoặc một lời xin thứ được lỗi, cảm thông. Cách đây ít lâu, mình đã phá bỏ rào cản, để tâm sự với mẹ mình những điều bao năm giấu kín, và thân thiện hơn với ông anh ruột, rồi lần đầu tiên sau hơn 10 năm chung sống, mình đã khóc, và ôm ba mình, nói lời yêu thương. Một cảm giác rất tuyệt vời, hãy đơn giản là hành động. Và đừng quên để ý đến ngôn ngữ yêu thương của mọi người xung quanh nhé!