Điều 1: NHỊN NHỤC VÀ CẦN MẪN
Nhịn nhục là mình phải mở tâm, nhường cho tất cả mọi người và cần kiệm, mẫn cán, làm việc siêng năng không chán nản.
Điều 2: DỨT KHOÁT THẤT TÌNH, LỤC DỤC
Không nghĩ đến sự động loạn gia cang. Nếu chúng ta dứt khoát thất tình, lục dục thì nhiên hậu chúng ta mới cứu được Cửu Huyền Thất Tổ. Nếu chúng ta hướng một, bỏ hai là tu hoài không tiến. Chúng ta hướng thẳng về tâm Phật, lớn rộng, lúc nào cũng vui vẻ, hòa ái, bình đẳng sẽ giải tỏa những sự phiền muộn lôi cuốn trong ngũ tạng và lục phủ của chúng ta.
Điều 3: THA THỨ VÀ THƯƠNG YÊU
Bất cứ một ai phạm lỗi đến chúng ta thì chúng ta phải giàu lòng tha thứ và thương yêu. Vì sao? Vì hồn ta bất diệt thì hồn người cũng bất diệt. Chúng ta phải thấy rằng đồng chung huynh đệ, mở thức công bằng, thương yêu và tha thứ. Lắm lúc chúng ta làm sai cũng mong được người tha thứ. Vậy người làm sai có mong chúng ta tha thứ hay không? Chúng ta nên tha thứ và xây dựng.
Điều 4: NUÔI DƯỠNG TINH THẦN PHỤC VỤ TỐI ĐA
Bất cứ việc gì chúng ta làm, phải làm cho tận tình, nghiên cứu cho tới đích. Vì thức của phần hồn là vô cùng, không phải ngưng tại chỗ mà luôn luôn tiến hóa.Vì vậy chúng ta phải học hỏi không ngừng những va chạm, biến hóa, đổi thay, những ràng buộc của thế gian. Rồi tình đời: Tham, sân, si, hỉ, nộ, ái, ố, dục, xuất hiện liên tục trong trí óc của chúng ta. Khiến ta quây cuồng với những tâm trạng đó. Dường như ta không còn chỗ cho sự tĩnh lặng của Tâm. Tâm lúc nào cũng biến đổi không ngừng theo cảnh trần.Vì vậy chúng ta cần phải nhận thức thật rõ Tâm thức của ta lúc này và không ngừng theo dõi kiểm sóat chúng, điều khiển để đưa Tâm trở về bản tính thanh tịnh của nó. Khi làm người, Tâm thanh tịnh của ta đã bị động loạn nhiều rồi, cũng không khác gì con người bị rớt xuống giếng vậy, tâm lúc nào cũng rối loạn, lo lắng, phiền não bị ảnh hưởng chi phối từ nhiều thứ trong cuộc sống làm người. Vì vậy ta phải bình tĩnh, lần lần mới leo lên mặt giếng được. Để trở về tâm thanh tịnh chúng ta phải buông xuống tất cả tham, sân, si, mạn, nghi, ác, kiến.Khi Tâm thanh tịnh quây trở lại với ta, ta làm việc rất hiệu quả trong từng công việc một. Có thất bại hay thành công cũng không ảnh hưởng đến tâm ta. Ta chỉ giữ một ý niệm duy nhất là làm sao để mọi người có được lợi lạc như ta mà thôi! Tinh thần này là sự phục vụ vô ngã, vị tha, khiến cho tâm thức ta càng tiến hóa, thăng hoa. Mình vì mọi người, ai cũng quý mến, khi mọi người đến với ta, ai cũng cảm nhận được niềm vui, an lạc hơn là sự đau khổ. Các bạn nên biết, khi chúng ta lúc còn trẻ thơ thì đem cái KHÔNG đến đây thôi,vậy mà bây giờ động loạn, nói cái gì thì tranh chấp cái nấy. Động loạn càng động loạn thêm. Cho nên, chúng ta phải dứt khoát để trở về bản tính lúc chúng ta sinh ra là KHÔNG và vô tư. Lúc nào cũng vui vẻ và lấy từ ái để hòa với tất cả mọi người. Ở thế gian này không có trẻ thơ nào mà không có người thương mến. Vì thế, chúng ta phải trở về với căn bản đó, mong ra cứu vớt được cho chính mình và ảnh hưởng cho những người kế tiếp.
Điều 5: BỐ THÍ VÀ VỊ THA
Lúc nào chúng ta cũng lo tu để quay trở về với bản tính thanh tịnh của chúng ta và đem chơn lý làm thế nào ta có được niềm an lạc, tâm thanh tịnh, bình đẳng, từ ái với mọi người, mọi vật trong thế gian này, để cho tất cả mọi người thấy rõ đường đi, tu tập đạt lợi ích như mình.Đó cũng là ta đang tập hành hạnh bố thí và vị tha theo lời Phật dạy. Lúc nào con người hoặc chúng sanh nào gặp gì trở ngại của thế gian, chúng ta phải tận tình giúp đỡ với khả năng sẵn có của chính mình.
Điều 6: ĐỐI ĐÃI THỰC TÂM VÀ LỄ ĐỘ
Lúc nào chúng ta cũng đối đãi với bạn đạo với nhơn loại, chúng sanh đều luôn luôn thực tâm. Không cần phải dối trá. Không cần phải giấu diếm. Không cần phải láo xược. Chúng ta bình tâm nói thẳng; như vậy là đúng theo Nhân đạo và lễ độ.
Điều 7: SỐNG TẠM ĐỂ CỨU ĐỜI, KHÔNG PHẢI ĐỂ HƯỞNG THỤ
Chúng ta đã ý thức được cái xác này được cấu trúc bởi nhiều nhân duyên(từ cha, từ mẹ, từ không khí, thức ăn(hay từ đất, nước, gió, lửa), từ cái thức…và từ những nhân duyên khác nữa, mà có. Thì chúng ta đang sống trong định luật: sanh, lão, bệnh, tử và khổ. Chỉ tạm mà thôi. Chớ không phải để hưởng thụ. Nếu chúng ta hưởng thụ được thì chúng ta đâu có bỏ xác. Một ngày nào, chúng ta thấy rõ là chúng ta phải bỏ xác ra đi. Chúng ta đi bằng cái gì? Đi bằng cái Thức(mà thế gian thì gọi là cái Hồn). Cho nên, chúng ta ngày hôm nay lo tu, nuôi dưỡng cái Thức để thăng hoa. Còn cái xác là tạm mà thôi. Nhưng mà xác là phương tiện để cứu đời, chớ không phải ở thế gian để hưởng thụ. Hưởng thụ là tự sát đó thôi.
Điều 8: GIỮ TÂM THANH TỊNH
Bất cứ trường hợp nào xẩy đến, lúc nào chúng ta cũng giữ sự thanh tịnh, phẳng lặng. Mọi sự ồn ồn, ào ào rồi nó cũng sẽ trở về KHÔNG, đâu sẽ vào đấy. Chúng ta chỉ giữ như vậy. Rốt cuộc rồi sẽ giải quyết xong. Các bạn thấy rõ: mưa, gió, bão bùng nguy hiểm. Rốt cuộc rồi đâu cũng vào đấy. Những đại sự mà cho chúng ta thấy rõ đã dìu dắt tâm thức của chúng ta tiến hóa mà thôi.
Điều 9: QUÊN MÌNH, TRÌ NIỆM NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
Chúng ta luôn luôn nhớ niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT để cho Thượng, Trung, Hạ quy nhứt và thức HÒA ĐỒNG càng ngày càng cảm được sự thanh tịnh và từ ái. Đó là nguyên lý của NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT hòa hợp với Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ của cả Càn Khôn, Vũ Trụ hiện tại.
Điều 10: HÒA TAN TRONG KHỔ, MƯU CẦU SỚM THỨC TÂM
Ta phải hòa tan trong sự khổ hiện tại. Thiếu thốn các phương tiện: đó là khổ; nhưng chúng ta chấp nhận thì không còn sự thiếu thốn nữa. Kêu bằng hòa tan trong khổ là chấp nhận, mưu cầu sớm thức tâm. Càng ngày càng hiểu được nguyên lý. Sống đơn giản cũng sống tại quả địa cầu. Sống phức tạp cũng sống tại quả địa cầu này. Nhưng mà người tu mới có cơ hội hiểu được điều này và thức tâm thấy rằng: Đời là tạm. Đời là bãi trường thi. Chúng ta đến thế gian để học rồi phải ra đi, chứ không có ai vĩnh viễn ở thế gian được. Cho nên, muốn tu để trở nên một vị Bồ Tát phải nuôi dưỡng mười điều này và thực hành hằng giờ, hằng phút, hằng khắc của chính chúng ta và chúng ta sẽ trở nên một món quà quý của xã hội ở tương lai. Trong thời gian các bạn thực hành ở đây rồi tương lai, các bạn sẽ đi các nơi để ảnh hưởng những người khác, không ngoài sự thực hành. Nếu thiếu thực hành là không có kết quả.