[QUOTE=khanh3t;3574187]· Doanh thu trong 10 năm (1999-2009) tăng 1.500 lần (từ 30-40 tỷ năm 1999 lên 60.000 tỷ năm 2009).
· Từ năm 2000, vốn chủ sở hữu là 2,3 tỷ đồng, sau 9 năm, con số này là 22.000 tỷ đồng.
· Mục tiêu đạt Top 30 nhà khai thác viễn thông lớn nhất thế giới, top 10 công ty đầu tư ra nước ngoài về viễn thông. Doanh thu đạt 15 tỷ USD vào năm 2015 và 30 tỷ USD vào năm 2020.
Ngày 12/01/2010, tại trụ sở Viettel, số1 Giang Văn Minh (Ba Đình, Hà Nội), Tổng Công ty Viễn thông Quân đội đã long trọng tổ chức Lễ ra mắt Tập đoàn Viễn thông Quân đội – tập đoàn đầu tiên của Bộ Quốc phòng, tập đoàn thứ 2 của Ngành Viễn thông và CNTT, tập đoàn thứ 8 và là tập đoàn trẻ nhất của Việt Nam. Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành TW Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự TW, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng đã tới dự, công bố và trao quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng của Tập đoàn.
Như vậy, sau gần 10 năm (tính từ thời điểm Viettel kinh doanh dịch vụ viễn thông vào tháng 10/2000), và sau hơn 4 năm kể từ thời điểm Viettel được chuyển đổi từ mô hình Công ty thành Tổng Công ty Viễn thông Quân đội, trực thuộc Bộ Quốc phòng, Viettel tiếp tục được chuyển đổi thành Tập đoàn Viễn thông Quân đội, mô hình lớn nhất đối với một doanh nghiệp Nhà nước.
Tập đoàn Viễn thông Quân đội hoạt động theo hình thức công ty mẹ – công ty con được thành lập trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Tổng Công ty Viễn thông Quân đội và các đơn vị thành viên hiện tại. Theo đó, Tập đoàn Viễn thông Quân đội sẽ là đơn vị đầu tiên hoạt động theo mô hình tập đoàn trực thuộc Bộ chủ quản. Do cơ chế đặc thù trong Quân đội nên Tập đoàn Viettel sẽ không có Hội đồng quản trị mà Đảng ủy Tập đoàn sẽ thực hiện vai trò và chức năng giống như HĐQT như ở các tập đoàn hiện có. Tập đoàn Viễn thông Quân đội là tập đoàn đa sở hữu, trong đó sở hữu nhà nước là chi phối, bao gồm các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, các doanh nghiệp đa sở hữu. Tập đoàn sẽ kinh doanh đa ngành nghề trong đó viễn thông và CNTT là ngành kinh doanh chính. Ngoài ra, Viettel còn đầu tư nghiên cứu phát triển và sản xuất phần cứng, phần mềm thiết bị điện tử, viễn thông, CNTT và thông tin quân sự.
Thiếu tướng Hoàng Anh Xuân, TGĐ Tập đoàn Viễn thông Quân đội cho biết: “Việc hình thành tập đoàn với việc đa dạng hóa ngành nghề, mở rộng thị trường, tăng tính liên kết giữa các ngành nghề trong Tập đoàn, tích tụ nguồn lực lớn, hỗ trợ lẫn nhau giữa các ngành nghề sẽ giúp Tập đoàn có năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp khác, đặc biệt là tăng tính cạnh tranh khi hội nhập kinh tế quốc tế”.
Một vài con số về Tập đoàn Viettel:
- Doanh thu 60.000 tỷ (2009).
- Thị phần viễn thông 37,5% (Di động: 42,5%).
- Mạng lưới viễn thông lớn nhất Việt Nam: 24.000 trạm BTS, 100.000 km cáp quang phủ hết 100% huyện trên đất liền và 75% xã.
- Đầu tư nước ngoài tại Lào và Campuchia:
· Tại Campuchia: Mạng lưới đứng thứ nhất, thuê bao di động đứng thứ hai sau 6 tháng khai trương (trong tổng số 9 nhà khai thác).
· Tại Lào: Mạng lưới đứng thứ nhất, thuê bao đứng thứ ba (ngay tại thời điểm khai trương).
- Xếp hạng:
· Theo Wireless Intelligence, Viettel đứng thứ 31 thế giới về thuê bao di động.
· Theo Wireless Intelligence, Viettel là doanh nghiệp viễn thông duy nhất của Việt Nam nằm trong top 100 thương hiệu viễn thông nổi tiếng nhất thế giới (Đứng thứ 83/100 thương hiệu nổi tiếng nhất thế giới về viễn thông).
· Doanh nghiệp phát triển nhanh nhất thế giới giai đoạn 2004-2009.
· Nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tốt nhất khu vực châu Á Thái Bình Dương tại các nước đang phát triển (Frost & Sullivan 2008).
· Nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tốt nhất thế giới tại các nước đang phát triển – WCA 2009 (giải thưởng danh giá nhất của ngành VT và CNTT thế giới do Total Telecom bình chọn).
- Các chương trình xã hội:
· Miễn phí Internet đến tất cả các cơ sở giáo dục: đến nay 65% trường học trong cả nước đã có Internet miễn phí, hết 2010, 100% các trường học sẽ có Internet miễn phí (Trị giá tương đương 350 tỷ VNĐ/ năm).
· Điện thoại nông thôn (hỗ trợ cước thuê bao và tặng 15.000 đồng tiền gọi mỗi tháng): Đã cung cấp được 3 triệu máy/ 9 triệu hộ gia đình. Sẽ hoàn thành vào 2011 (Trị giá tương đương 1.200 tỷ VNĐ/ năm).
· Phủ sóng thềm lục địa: Đã phủ xong 2.000 km duyên hải với bán kính ra biển là 100 km. Riêng Vịnh Bắc Bộ là 100%.
· Hỗ trợ 3 huyện nghèo theo Nghị quyết 30A của Chính phủ: 30 tỷ VNĐ/ 2009 (Gồm các huyện: Mường Lát, Bá Thước – Thanh Hóa; Đakrong – Quảng Trị).
· Mổ tim và phẫu thuật nụ cười cho trẻ em: 12 tỷ VNĐ.
· Đóng góp 8 tỷ cho chương trình xây 1.500 nhà tình nghĩa của BQP.
Đóng góp cho Quỹ Chất độc da cam và ủng hộ đồng bào các tỉnh bị thiên tai năm 2009: 10 tỷ VNĐ.[/QUOTE]