Sở hữu số lượng người chơi đông đảo, hệ thống giải đấu và các trang tin không thua kém gì so với Counter Strike hay StarCraft nhưng chính ở bên trong cộng đồng DotA lại đang có dấu hiệu của một làn sóng ngầm mang tên “thoái trào”.
Dấu hiệu Đây có lẽ không phải là lần đầu tiên người ta đặt câu hỏi liệu Custom map này đã phát triển lên tới đỉnh và đi xuống hay chưa?
Trước đây vào khoảng cuối năm 2008 và đầu năm 2009, người ta cũng đã chứng kiến sự xáo trộn liên tục của nhiều đội với việc tan rã của không ít team tên tuổi, cùng sự im hơi lặng tiếng của DotA Châu Á. Nhiều nghi vấn đặt ra xoay quanh liệu có thực việc DotA đang đi về phía bên kia con dốc của sự phát triển.
Đây không phải lần đầu tiên cộng đồng DotA gặp sóng gió. Tuy nhiên ngay sau đó chính cộng đồng DotA đã có những trả lời thỏa đáng cho câu hỏi này. Với một loạt những giải đấu như Farm 4 Fame, ESL III... diễn ra liên tục cho thấy DotA thế giới hoàn toàn không kém phần sôi động so với trước. Điều này như khẳng định: “DotA chưa thể thoái trào”.
Sự đào tẩu hàng loạt Nhưng chỉ qua một năm với những biến động của mình dường như cộng đồng DotA lại đang gặp lại câu hỏi cũ. Trên thực tế, năm 2009 là năm hoạt động đầy năng nổ của cộng đồng Custom map này khi liên tục tổ chức những giải đấu với quy mô lớn nhỏ khác nhau.
Nhưng DotA đang thiếu sự đoàn kết để phát triển. Nhưng nếu để ý, bạn có thể thấy chỉ trong vài tháng cuối năm, liên tục những ngôi sao sáng của DotA thế giới nói lời chia tay với bộ môn này. Bên cạnh đó tần suất “tan đàn sẻ nghé” và hình thành đội mới cũng đang diễn ra như “cơm bữa” khiến việc đoàn kết trong những team DotA đang là dấu hỏi lớn. Nó tạo ra những "cơn sóng thần" đánh vào sự tồn tại của cộng đồng.
Cho đến lúc này những tượng đài một thời của DotA thế giới như Loda, Maelk, hyhy và cả Kukory đều đưa ra tuyên bố muốn từ bỏ sự nghiệp thi đấu của mình. Điều này khiến cho không ít người liên tưởng đến cuộc “đào tẩu” hàng loạt trốn tránh khỏi bộ môn này. Tất cả đều đưa ra lý do khá chung chung đó là họ hết hứng thú với DotA.
Sắp tới DotA sẽ có gì để giữ chân game thủ khi các "hot girl" cũng đã hết độ nóng. Việc cập nhật phiên bản, thay đổi cách lên đồ và thêm Heroes của IceFrog vẫn chưa thể “làm mới” thực sự cho những game thủ thi đấu đỉnh cao. Rất nhiều trận đấu xảy ra với tình trạng chiến thuật đi vào lối mòn đang là điểm khiến cho không ít người trở nên chán DotA.
Còn về sự đoàn kết thì thậm chí game thủ Loda đã từng lên tiếng chỉ trích rằng người hâm mộ của Custom map này tại Châu Âu là hai mặt, hay thay đổi và luôn sẵn sàng chĩa mũi nhọn chỉ vì vài thất bại không như ý. Đồng thời anh cũng không ngần ngại phát biểu khi cho rằng Châu Á sở hữu những game thủ có danh dự thực sự.
Điều này như đang đào sâu thêm mối ngăn cách giữa hai nền DotA mạnh của thế giới. Bên cạnh đó nó cũng cho ta thấy mẫu thuẫn ngày càng lớn ngay bên trong nội bộ của “Lục địa già” tại bộ môn này. Và rõ ràng đây là một dấu hiệu không tốt đối với sự phát triển của cộng đồng DotA.
Cộng đồng đã hụt hơi Dường như lý do khiến cho nhiều người chán DotA không chỉ đơn giản là chưa có những đột phá trong lối chơi tại các phiên bản mới mà đó là còn do một cuộc đua hụt hơi. Cuộc đua đến cái đích đầy quen thuộc với giới eSports, được một lần có mặt tại WCG.
WCG chưa một lần có tên DotA. Dù rằng sở hữu một cộng đồng phát triển nhanh và mạnh bậc nhất thế giới nhưng chưa bao giờ DotA được coi đạt được tầm như những bộ môn truyền thống như StarCraft, Counter Strike, WarCraft hay FIFA. Thậm chí khi so với PES, một game còn gặp nhiều trắc trở khi trở thành eSports, thì Custom map này vẫn có phần thua kém khi chưa một lần lọt vào danh sách bình chọn game sẽ có mặt tại WCG.
Sau biết bao cố gắng, phát triển cộng đồng cho đến tận lúc này DotA chưa thể hoàn thành được mục tiêu góp mặt tại giải đấu khi WCG 2010. Có vẻ việc được phát triển từ WarCraft III, không có một hãng phát triển đỡ đầu, đã khiến cho những người tổ chức giải đấu được mệnh danh là Olympic của eSports “ngại” đưa DotA vào.
Sau một chặng đường phấn đấu phát triển nhưng vẫn chưa nhận được sự công nhận cộng đồng game này xem ra đã chán chường, hụt hơi.
Dễ chơi, khó xem và không “sát” máy Chơi DotA là một điều đơn giản vì yêu cầu cấu hình máy quá nhẹ. Đây là thực tế đang xảy ra đối với DotA. Tuy với cấu hình yêu cầu rất nhẹ, quy tắc chơi đơn giản, thu hút lại được thiết kế dựa trên thi đấu đồng đội đem lại được sự vui vẻ và rất tốt cho tính phổ cập. Nhưng nếu nhìn vào góc độ phát triển và kinh doanh thì DotA lại có quá nhiều điểm không đạt.
Vấn đề được ca ngợi nhiều nhất và cũng là điểm cản trở lớn nhất khiến cho giải đấu của Custom map này không thu hút được tài trợ chính là do nó quá nhẹ. Với truyền thống thiết kế nhẹ nhàng của Blizzard dành cho WarCraf III khiến DotA có thể chạy trên các cấu hình tuơng đối cũ kỹ. Điều này dĩ nhiên sẽ khiến những hãng phần cứng, nhà tài trợ tiềm năng nhất của eSports, sẽ bỏ qua game này khi tài trợ vì không giúp phô diễn sức mạnh sản phẩm của họ.
Khi vào combo nhiều người cảm giác vô cùng lộn xộn. Bên cạnh đó lối chơi của DotA khiến các trận đấu dài lê thê, có thể người chơi cảm thấy thú vị nhưng với khán giả thì quả thực nhàm chán. Chắc chắn sẽ có nhiều người ngủ gật nếu có một chương trình chiếu đầy đủ một trận đấu của bộ môn này.
Yếu tố truyền hình của DotA cũng tương đối kém. Đối với phần đông người xem khi vào các combo, những thứ mà họ có thể cảm nhận là một đống màu sắc lộn xộn liên tục lóe lên mà không hiểu chuyện gì đang thực sự xảy ra.
Có thể nói với phần đông game eSports, khán giả không cần biết những quy tắc căn bản vẫn hào hứng theo dõi. Nhưng còn DotA nếu chưa từng chơi qua game thì gần như bạn sẽ không muốn xem. Chính điều này là bước cản rất lớn đối với sự phát triển của nó khi đi lên chuyên nghiệp.
Các đối thủ lớn đã và đang xuất hiện Hai đối thủ gần nhất có thể thấy hiện nay đang cạnh tranh trực tiếp với DotA và được mệnh danh là "đồ nhái". Nếu như League of Legends chỉ dựa trên quy tắc của Custom map này và phát triển lại thì Heroes of Newerth gần như bê nguyên si bản đồ của DotA.
DotA đã có những đối thủ cạnh tranh ngay từ 2009. Cả hai game đều có một nền đồ họa tương đối đẹp nếu so sánh với người tiền nhiệm. Dù rằng thực tế đây không phải là điểm cốt yếu, nhất là trong lịch sử eSports, Counter Strike từng đánh bại Counter Striker: Source với lối chơi hoàn hảo. Nhưng việc cả hai game trên đều không yêu cầu quá nặng cùng cách chơi được đánh giá ngang ngửa DotA nên vẫn tạo ra được sức hút không nhỏ.
Có khá nhiều cao thủ của DotA thậm chí tỏ ra háo hức quan tâm đến các tựa game được cho là ăn theo này và tham dự các giải đấu của chúng. Ngoài ra việc có nhà phát hành rõ ràng chắc chắn những game này sẽ dễ có mặt tại WCG hơn so với một Custom map làm từ WarCraft III.
StarCraft II có phải đòn kết liễu dành cho DotA? Năm 2010 còn đánh dấu sự quay trở lại của một tượng đài game chiến thuật đó là StarCraft II. Dù xưa nay có quan niệm cho rằng người chơi DotA và StarCraft vốn khác nhau. Nhưng với việc phát triển Map Editor đạt đến mức gần giống một Game engine khiến việc làm Custom map trở nên dễ dàng hơn. Bên cạnh lối chơi mới cũng tạo được nhiều điểm nhấn thu hút người chơi. Chắc chắn khi StarCraft II xuất hiện sẽ có không ít người rời bỏ DotA đi theo tiếng gọi mới này.
Một năm mới lại đang tới gần và công việc đang đặt ra chồng chất trước cộng đồng DotA. Có thể nói đây sẽ là đợt sóng gió lớn ập tới con đường phát triển của Custom map này. Nếu họ có thể vượt qua chắc chắn con đường đi lên sẽ mở rộng, còn không giải quyết được chắc chắn ngày tận thế sẽ đến gần hơn bao giờ hết.
Nguồn: gamek.vn